Căn bệnh này trở nặng bao nhiêu, người lãnh đạo lại càng ít lắng nghe người khác bấy nhiêu, Malcolm Gladwell – tác giả nổi tiếng của nhiều đầu sách bán chạy nhất trên thế giới nhận định.
Thừa tự tin là thứ nguy hiểm hơn nhiều so với thiếu năng lực. Bởi vì thừa tự tin là căn bệnh của những chuyên gia, trong khi thiếu năng lực lại là căn bệnh của kẻ ngốc. |
Sinh năm 1963, Malcolm Gladwell là một nhà báo, diễn giả nổi tiếng người Canada, và là một trong những tác giả hàng đầu về đề tài khoa học xã hội, quản trị trên thế giới. Sách cùng bài viết của Gladwell tiếp cận và đưa ra lời giải đáp cho các mối liên hệ bất ngờ, ẩn sau những sự việc trong xã hội cũng như các nghiên cứu khoa học xã hội.
Được biết, tất cả 5 quyển sách thuộc danh sách best-seller của Gladwell đều đã xuất bản tại Việt Nam. Chúng gồm Điểm Bùng Phát: Làm thế nào những điều nhỏ bé tạo nên khác biệt lớn lao?; Trong chớp mắt: Sức mạnh của việc nghĩ mà không cần suy nghĩ; Những kẻ xuất chúng: Cái nhìn mới lạ về nguồn gốc của thành công; Chú chó nhìn thấy gì: Lật tẩy những góc khuất trong cuộc sống xã hội; David và Goliath: Cuộc đối đầu kinh điển và nghệ thuật đốn ngã những gã khổng lồ.
Và, trong một lần trò chuyện trên kênh podcast của mình, vị tác giả nổi tiếng đã chia sẻ về “căn bệnh” mà theo ông là nguy hiểm hơn nhiều so với việc thiếu năng lực, điều sẽ quyết định thành công hay thất bại của một cá nhân.
Theo vị tác giả, những nhà lãnh đạo thừa tự tin thường “có khuynh hướng cho rằng, năng lực của bản thân cao hơn so với khả năng thực tế”. Gladwell cho rằng, đây là căn bệnh hết sức nghiêm trọng, và mỗi sự sai lầm gây ra từ nó đều mang đến hậu quả khôn lường, nếu không muốn nói là trầm trọng hơn nhiều so với những sai lầm xuất phát từ việc thiếu năng lực.
“Căn bệnh thừa tự tin này trở nặng bao nhiêu, người lãnh đạo lại càng ít lắng nghe người khác bấy nhiêu. Đây là điều rất, rất độc hại”, Gladwell nói.
Và, trong số những doanh nhân, nhà lãnh đạo thành công đã từng trải qua điều này, phải kể đến tỷ phú Ray Dalio. Theo nhà sáng lập của quỹ đầu tư Bridgewater Associates, ông từng suýt chút nữa huỷ hoại công ty của mình vì mắc bệnh “thừa tự tin”.
Cụ thể, vào năm 1982, Dalio đã một mực tin rằng, nền kinh tế toàn cầu nhất định sẽ đi vào giai đoạn suy thoái. “Tôi đã lầm to… Thị trường chứng khoán khi đó đã bắt đầu một đợt tăng giá lớn, và trong 18 năm tiếp theo, nền kinh tế Mỹ đã trải qua thời gian tăng trưởng phi lạm phát lớn nhất trong lịch sử của nó”, vị tỷ phú chia sẻ.
Nhận xét bản thân đã mất quá nhiều tiền vì sự “kiêu ngạo một cách ngu ngốc” trong một bài viết trên mạng xã hội Reddit vào năm 2019, Dalio nói khi đó đã phải cho nhân viên của mình thôi việc và mượn 4.000 USD từ bố để sống qua ngày. Song, cũng nhờ kinh nghiệm “xương máu” ấy, mà ngày hôm nay Bridgewater Associates mới có thể thực hiện được chính sách khuyến khích mọi nhân viên đóng góp ý kiến, cùng quan điểm cá nhân một cách trung thực.
Theo Gladwell, chính sách tại quỹ đầu tư của Dalio là một trong những cách hữu hiệu để ngăn người lãnh đạo mắc phải bệnh thừa tự tin. “Cách tốt nhất để ngăn điều ấy xảy ra là đảm bảo các công ty, tổ chức sở hữu hệ thống giúp mọi người đều có thể nhận phản hồi từ người khác”, vị tác giả nói.
Mục tiêu xây dựng tổ chức nên là “một nhóm với nhiều thành viên và góc nhìn cùng đưa ra các quyết định chung. Đó là cách tốt nhất để ngăn chặn căn bệnh tự tin quá mức”. Về mặt tổ chức, điều mà người lãnh đạo nên hướng tới một nền dân chủ chứ không phải một chế độ độc tài, Gladwell nhận xét.
“Bạn sẽ khó mắc phải căn bệnh thừa tự tin hơn khi phải ngồi lại với một nhóm người sở hữu quan điểm khác nhau và có quyền chỉnh lý những gì bạn đang làm”, ông nói.
Theo: DNSG