VHDN – Mặc dù sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng không ít doanh nhân kiều bào luôn hướng về Việt Nam. Tình yêu quê hương đất nước của kiều bào đã được thể hiện bằng những đóng góp tâm huyết, những việc làm cụ thể, thiết thực vì sự nghiệp phát triển của quê nhà. Trong những tấm gương doanh nhân Việt kiều tiêu biểu ấy có nữ doanh nhân Nguyễn Thị Tuyết Nga (thường gọi là Nguyễn Nga) – Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần tư vấn và đầu tư NN. Bà đã thực hiện hàng loạt dự án làm giàu cho quê hương, hỗ trợ cộng đồng nhiều năm nay.
Gần đây, doanh nhân Nguyễn Nga được biết đến với vai trò là một Kiến trúc sư, đau đáu ước mơ bảo tồn và cải tạo cầu Long Biên Hà Nội với hàng loạt các dự án gây tiếng vang. Nhưng ít ai biết được chị cũng là một doanh nhân có công lớn trong các công trình nghệ thuật, văn hóa.
Để biết rõ thêm về những đóng góp to lớn của Doanh nhân Nga Nguyễn cho đất nước, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – Kỳ Văn hóa Doanh nhân trân trọng gửi tới độc giả những chia sẻ về những công trình kiến tạo cũng như khát vọng làm giàu cho quê hương xứ sở của nữ doanh nhân.
Doanh nhân Nguyễn Nga
PV: Là một doanh nhân Việt kiều Pháp trong nhiều năm qua đã góp sức mình kiến thiết quê hương. Chị đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng kiều bào đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong thười kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay?
DN Nguyễn Nga: Đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, thì lực lượng kiều bào trên toàn cầu đã đóng góp nhiều về mối quan hệ, về kiến thức, về chuyển giao công nghệ và một số lượng tiền kiều hối rất lớn từ những năm kinh tế khó khăn nhất của Đất Nước. Kiều bào Pháp tự hào là đã có truyền thống lâu đời, từ thời bác Hồ kêu gọi khi bác còn ở Pháp.
Lực lượng Kiều bào là một nguồn lực đóng góp nguồn lực quan trọng cho sự phát triển đất nước nhất là về mặt kinh tế. Trong đó, số ngoại tệ lượng kiều hối hàng năm gửi về Việt Nam đóng góp rất lớn trong việc ổn định cán cân thanh toán và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Kiều bào Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới, lực lượng hoạt động kinh doanh cũng không hề nhỏ, họ là cầu nối để quảng bá các sản phẩm thương hiệu uy tín của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Họ đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới và phân phối sản phẩm Việt vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng trên khắp các nước sở tại.
Lực lượng Kiều bào ta không chỉ đóng vai trò quan trọng về nguồn lực kinh tế, phát triển đất nước mà họ còn là những người đưa hình ảnh con người, tinh hoa văn hóa truyền thống vào dòng chảy văn hóa thế giới. Họ thực sự là cầu nối trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa…giữa Việt Nam và thế giới.
Doanh nhân Nguyễn Nga chụp ảnh lưu niệm cùng Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại Đại hội thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
PV: Theo Chị, thế mạnh vượt trội mà kiều bào ta chọn lọc từ các nước phát triển để áp dụng thành công khi trở về xây dựng quê hương?
DN Nguyễn Nga : Thế mạnh của kiều bào ta ở các nước là mang một hình ảnh đẹp về tư cách sống của con người Việt Nam nơi đất khách. Họ được người nước sở tại kính trọng. Họ là những sứ giả quảng bá tốt về Đất nước con người Việt. Đa số trong họ khá thành công trong nhiều lĩnh vực như khoa học, công nghệ, quản trị, kinh doanh. Họ có thể áp dụng rất thành công tất cả những thế mạnh nói trên khi trở về xây dựng quê hương. Nhưng một số không nhỏ đã thất bại bởi chưa biết cách dung hòa, linh hoạt áp dụng vào thực tiễn nền kinh tế nước nhà bởi vì cơ chế ở Việt Nam rất đặc thù, không cùng nguyên lý với các nước tư bản. Họ cũng đã về quá sớm, khi đất nước còn chưa thiết lập được hành lang pháp lý phù hợp.
Một số kiều bào từ các nước xã hội chủ nghĩa cũ thì lại thành công lớn vì biết cách thích nghi, biết ứng dụng hiệu quả vào thực tế, một phần thành công cũng do nét tương đồng của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ những nước có cơ chế tương đương, họ hiểu rõ hơn và biết áp dụng cơ chế “xã hội chủ nghĩa theo kinh tế thị trường”. Có quyết tâm và bền bỉ như tôi thì cũng phải chấp nhận hy sinh rất nhiều và bị kéo dài gấp đôi gấp ba thời gian để thực hiện.
Ngoài ra, kiều bào ta ở nước ngoài làm việc, được tiếp cận quy trình làm việc tiên tiến, công nghệ hiện đại khi trở về nước cũng sẽ trở thành nguồn nhân lực có chất lượng.
Doanh nhân kiều bào là nhịp cầu gắn kết cộng đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế nước nhà.
PV: Là một doanh nhân đã đầu tư rất nhiều công trình, dự án phát triển cho quê nhà ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chị đánh giá như thế nào về các chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào thời gian qua? Chị có mong muốn gì về vấn đề này?
DN Nguyễn Nga: Theo tôi được biết thì Nhà nước chưa có chính sách cụ thể gì để đãi ngộ cho các doanh nghiệp Việt kiều trong thời gian qua. Hoặc có chăng chỉ rất ít trường hợp ngoại lệ, ngoài ra chưa có văn bản pháp lý gì để tham khảo hay đối chiếu.
Số lượng và chất lượng kiến thức của kiều bào ta rất lớn trên thế giới, nhiều thế hệ, nhiều thành phần. Nếu nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách phù hợp hơn nữa, thì tôi tin rằng sẽ thu hút được rất nhiều kiều bào về đóng góp cho quê hương. Bởi, đã là người Việt Nam không ai là không muốn trở về đóng góp trí tuệ, đầu tư tiền của và công sức, chia sẻ tình đồng bào và ra đi yên bình trên quê hương. Họ cũng sẽ là cầu nối mạng lưới quan hệ với các nước, là đường dẫn du lịch của bạn bè họ hàng về Việt Nam. Và ở cái tuổi dưỡng già, thông thường đầu tư công đức cho bệnh viện hoặc trường học luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân kiều bào.
PV: Được biết đến nhiều hơn trong vai trò là một nhà đầu tư trong lĩnh vực văn hóa. Chị có thể chia sẻ đôi điều vì sao lĩnh vực văn hóa lại thu hút sự quan tâm của chị? Nó có vai trò quan trọng như thế nào cho sự phát triển của một dận tộc?
DN Nguyễn Nga : Tôi cho là văn hoá đóng vai trò nền tảng trong mọi lĩnh vực. Có Văn hoá, ta sẽ có tất cả . Đánh mất Văn hoá, là sẽ đánh mất Dân tộc.
PV: Với tất cả những tâm huyết trong việc xây dựng nền văn hóa nước nhà đã đủ để gọi chị là “Doanh nhân văn hóa”. Mỗi một doanh nghiệp đều có một nền tảng văn hóa riêng trong chiến lược phát triển bền vững. Vậy nét văn hóa doanh nghiệp đặc trưng riêng mà chị tạo dựng và hướng tới trong công ty của mình là gì?
DN Nguyễn Nga : Trước hết là phải có Đạo Đức trong kinh doanh. Sau đó là 5 tiêu chí để hoạt động: ATECA: A (Art), T (Technology), E (Ecology), C ( Community), A (Action). Tạm dịch là Nghệ Thuật và Công nghệ để Bảo vệ Môi trường , làm vì Cộng đồng, bằng Hành động.
Xin chân thành cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn! Chúc chị khỏe mạnh và luôn tràn đầy nhiệt huyết trong công cuộc xây dựng và làm giàu cho quê hương!
Doanh nhân Nguyễn Thị Tuyết Nga
– Doanh nhân Nguyễn Thị Tuyết Nga – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư NN. Chị đã có công đóng góp thực hiện hàng loạt dự án làm giàu cho quê hương, hỗ trợ cộng đồng nhiều năm nay. Nhiều người biết đến bà thông qua vai trò là Kiến trúc sư, nhưng ít ai biết được chị cũng là một doanh nhân có công lớn trong các công trình nghệ thuật, văn hóa.
– Năm 1986-1988: Chủ tịch Hội nhân đạo Valentin-Bình. Giúp Hội Bảo vệ bà mẹ trẻ em chống suy dinh dưỡng cho nhà trẻ, mẫu giáo tại Cần Thơ, TP HCM và Hà Nội.
– Năm 1987 – 1990: Liên doanh với công ty Pica Pháp xây dựng dự án Than hoạt tính Bến Tre, tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm và hàng triệu đô la để Bến Tre phát triển bền vững.
– Năm 1989 – 2004: Mở Công ty BARTECH – Công ty Tư vấn Đầu tư, Chuyển giao công nghệ và Đối lưu, giữ cương vị là Giám đốc, sau đó kết hợp với một số công ty của Pháp xây dựng dự án cấp nước cho Hà Đông, nhà máy bê tông dự ứng lực cho Chèm. Dự án đầu tư bảo vệ môi trường cho đô thị cổ Hội An bằng nguồn vốn ODA.
– Từ năm 2006: Sáng lập Ngôi Nhà Nghệ Thuật ở 31A Văn Miếu . Thành lập Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển N.N giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị.
– Năm 2011 mở Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Phát triển cầu Long Biên,
– Năm 2022 mở Công ty CP Bảo tàng cầu Long Biên, xây dựng một Hệ sinh thái sáng tạo tại Mailand Splendora, Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.
Theo: vhdn