Trang chủ KHỎE - ĐẸP Thoái hóa khớp khiến hai chân người phụ nữ bị lệch

Thoái hóa khớp khiến hai chân người phụ nữ bị lệch

bởi admin

Bà Vân, 52 tuổi, bị thoái hóa và loạn sản khớp háng nặng khiến chân trái ngắn hơn chân phải, từ Hong Kong về TP HCM thay khớp nhân tạo, khôi phục vận động.

Bà Bàng Tích Vân đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám vào đầu tháng 8 trong tình trạng đau nghiêm trọng, đi lại hạn chế, không thể ngồi xổm, chân không thể khép lại, chân trái ngắn rõ rệt. Bà đau khớp háng nhiều năm, hai năm qua nặng hơn, chữa Đông đến Tây y không bớt.

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học chẩn đoán người bệnh bị thoái hóa khớp háng và loạn sản khớp háng. Thoái hóa khớp háng xảy ra khi lớp sụn khớp bị bào mòn bởi nhiều yếu tố. Bệnh gây đau dai dẳng, ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân, nếu không can thiệp kịp thời, nguy cơ tàn phế rất cao. Khớp háng của bà Vân đã biến dạng, cần thay khớp để giảm đau, cải thiện chức năng vận động.

Bác sĩ Khoa Học cho biết loạn sản khớp háng là một trong những thách thức khi thay khớp háng. Đây là bất thường bẩm sinh làm biến dạng khớp. Ở người bình thường, ổ cối sâu (là một trong những thành phần chính cấu tạo nên khớp háng, có hình lõm), chỏm xương đùi tròn đều. Trong khi đó, ổ cối của bà Vân nông, lòng tủy xương đùi nhỏ hơn nên khó tìm được khớp háng nhân tạo phù hợp.

Hình ảnh X-quang cho thấy khớp háng bên trái của người bệnh biến dạng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hình ảnh X-quang cho thấy khớp háng bên trái của người bệnh biến dạng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ sử dụng phần mềm traumacad để đo đạc cấu trúc khớp của bà Vân, tìm ra loại khớp háng nhân tạo phù hợp. Khớp háng được chọn thiết kế riêng cho người châu Á, dùng cho trường hợp loạn sản.

Người bệnh được thay khớp bằng kỹ thuật SuperPath không cần cắt cơ và bao khớp, bảo tồn tối đa hệ thống gân, cơ xung quanh, tránh nguy cơ trật khớp hậu phẫu. Hệ thống máy X-quang di động C-Arm kiểm tra liên tục để kịp thời phát hiện bất thường.

Theo bác sĩ Học, kích thước và cấu trúc khớp nhân tạo không phù hợp với khớp tự nhiên có thể dẫn đến chân dài chân ngắn, dễ gãy xương, phải thêm nẹp hoặc cột chỉ thép xung quanh, dễ trật khớp dù vận động nhẹ, nguy cơ tổn thương thần kinh tọa rất cao. Hậu phẫu, người bệnh có thể gặp tình trạng rũ bàn chân (không thể nâng bàn chân), tê chân, không vận động được. Biến chứng này cần đến 6 tháng để phục hồi.

Người bệnh trong ngày xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người bệnh trong ngày xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày đầu sau phẫu thuật, bà Vân có thể đứng, tập đi lại, dáng đi cải thiện rõ. Phim X-quang ghi nhận khớp đặt đúng vị trí, hai chân đều nhau. Ba ngày sau, người bệnh có thể đi lại không cần nạng, ngồi co chân. Trong tương lai, người bệnh có thể ngồi xổm, bắt chéo chân.

Theo bác sĩ Học, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ rất lớn cho bác sĩ trong kỹ thuật thay khớp cho bệnh nhân, chi phí hợp lý so với các nước. Do đó, nhiều người bệnh ở nước ngoài về Việt Nam khám và điều trị, như bà Vân.

Nguồn: vnexpress

Có thể bạn sẽ thích